
1. PHIÊN HỌP THÁNG 3/2019 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TANDTC: Hội đồng Thẩm phán TANDTC vừa họp phiên tháng 3/2019 với nhiều vấn đề về nghiệp vụ được rút ra.
- Không chấp nhận kháng nghị của VKSNDTC về áp dụng Án lệ 02/2016
Vụ án giữa nguyên đơn Bùi Thị Nh ở tỉnh Phú Yên và bị đơn Lê Kim L là Việt kiều Mỹ, tranh chấp về quyền sở hữu nhà 55 Lê Lợi, thị trấn C. Bà Nh yêu cầu công nhận bà là chủ sở hữu nhà 55 Lê Lợi vì là người mua ngôi nhà này và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu từ năm 2001. Bà L cũng yêu cầu công nhận bà L là chủ sở hữu nhà 53 Lê Lợi vì bà mới là người mua và chỉ nhờ bà Nh đứng tên hộ do thời điểm đó bà L là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa đủ điều kiện được mua nhà tại Việt Nam. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều quyết định công nhận nhà 53 Lê Lợi thuộc sở hữu của vợ chồng bà L và công nhận việc vợ chồng bà L tặng cho nhà này cho anh Đ.
Bản án phúc thẩm (số 79/2016/DS-PT ngày 26/10/2016 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng) đã bị Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm; đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để giải quyết sơ thẩm lại với lý do: Vợ chồng bà L là người Việt Nam ở nước ngoài nhờ bà Nh đứng tên nhà dùm. Tuy bà Nh không yêu cầu trả công sức quản lý tài sản nhưng bà Nh yêu cầu công nhận quyền sở hữu nhà là yêu cầu lớn hơn. Do vậy, lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định công sức của bà Nh trong việc quản lý làm tăng giá trị nhà như án lệ số 02/2016 mới đúng.
Án lệ 02/2016 là án lệ cũng về tranh chấp giữa người ở trong nước đứng tên hộ người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với bất động sản. Trong trường hợp này, giá trị chênh lệch giữa khoản tiền đầu tư ban đầu với giá tài sản ở thời điểm tranh chấp được coi là lợi nhuận chung, người quản lý tài sản (đứng tên hộ) cũng được chia phần chênh lệch này cùng với người đầu tư. Trong trường hợp không xác định được ai có công sức nhiều hơn thì chia ngang nhau phần chênh lệch.
Tại phiên họp ngày 18/3/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã không chấp nhận kháng nghị của VKSNDTC, giữ nguyên bản án phúc thẩm. Các lý do không chấp nhận kháng nghị là:
Án lệ 02/2016 là án lệ về cách xác định mức đền bù công sức được chia trong trường hợp đứng tên hộ. Tuy nhiên, do bà Nh chưa có yêu cầu về đền bù công sức, Tòa án chưa giải quyết về công sức nên chưa thể áp dụng Án lệ 02/2016.
Kháng nghị của VKSNDTC có nhận định “Bà Nh không yêu cầu trả công sức quản lý tài sản nhưng bà Nh yêu cầu công nhận quyền sử dụng nhà đất là yêu cầu lớn hơn”. Nhận định này có nội dung gần gũi với Án lệ 05/2016. Án lệ 05/2016 là án lệ có nội dung hướng dẫn cách xác định phạm vi xét xử. Tại Án lệ 05/2016, người quản lý di sản thừa kế cho rằng đã hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế nên yêu cầu xác định họ là người được hưởng toàn bộ bất động sản mà họ đang quản lý. Án lệ 05/2016 chỉ ra rằng tuy người quản lý không yêu cầu trả công sức quản lý nhưng họ yêu cầu hưởng toàn bộ tài sản là yêu cầu lớn hơn nên phải coi là họ có yêu cầu trả công sức quản lý. Tuy nhiên, trường hợp của vụ án này không giống với tình huống của Án lệ 05/2016. Trong vụ án này, Tòa án đã hỏi bà Nh rằng nếu không được công nhận sở hữu nhà thì có yêu cầu Tòa án giải quyết công sức quản lý không, bà Nh đã trả lời là không. Như vậy, trong trường hợp Tòa án đã hỏi mà đương sự vẫn không yêu cầu thì Tòa án không giải quyết về công sức (không thuộc trường hợp Án lệ 05/2016); sau này đương sự có quyền khởi kiện đòi công sức bằng vụ án khác. Có như vậy mới phù hợp nguyên tắc về quyền tự định đoạt của đương sự quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Những vụ tranh chấp thừa kế được xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo luật cũ hay luật mới?
Vụ án tranh chấp thừa kế giữa nguyên đơn Nguyễn Văn X và bị đơn Phan Thị C ở tỉnh Khánh Hòa đã được xét xử phúc thẩm (Bản án số 61/2018/DSPT ngày 18/5/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng). Bản án phúc thẩm này bị Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm.
Tại phiên họp ngày 18/3/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chấp nhận Kháng nghị giám đốc thẩm, hủy Bản án phúc thẩm, Bản án sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại. Việc giao xét xử sơ thẩm lại là để làm rõ về di sản thừa kế. Tuy nhiên, vấn đề thời hiệu khởi kiện vẫn được đặt ra cả trong Kháng nghị giám đốc thẩm và Quyết định giám đốc thẩm. Đó là do trong quá trình xét xử vụ án này đã có những ý kiến khác nhau về xác định thời hiệu khởi kiện theo luật cũ hay luật mới.
Vụ án này là trường hợp thừa kế mở lần đầu năm 1973 (mẹ nguyên đơn chết) và thừa kế mở lần thứ 2 là năm 1993 (cha nguyên đơn chết). Trường hợp thừa kế mở trước ngày Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 có hiệu lực (10/9/1990) thì thời hiệu khởi kiện tính từ 10/9/1990 (theo Khoản 4 Điều 36 của Pháp lệnh). Vụ án này được khởi kiện ngày 10/12/2009. Theo pháp luật ở thời điểm khởi kiện (Bộ luật Dân sự năm 2005) thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 10 năm kể từ 10/9/1990. Theo pháp luật ở thời điểm xử sơ thẩm là ngày 08/9/2017 (Bộ luật Dân sự năm 2015) thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 30 năm kể từ 10/9/1990. Như vậy, nếu theo luật mới thì trong mọi trường hợp, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế vẫn còn.
Ý kiến cho rằng phải áp dụng luật cũ căn cứ vào quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 Về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Điều 2 quy định đối với các tranh chấp… “phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 05/2011/QH12”.
Ý kiến cho rằng phải áp dụng luật mới căn cứ vào quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 668 Bộ luật Dân sự năm 2015. Điểm d quy định là “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”
Như vậy là quy định của Nghị quyết 103/2015/QH13 khác với quy định của Điều 668 Bộ luật Dân sự. Từ Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016, TANDTC đã hướng dẫn áp dụng quy định của Điều 668 Bộ luật Dân sự (tức là áp dụng luật mới) cho cả các trường hợp thừa kế mở trước 01/01/2017. Hướng dẫn này dựa trên cơ sở quy định của Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 3 này quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.Nghị quyết 103/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015, Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017 nên Bộ luật Dân sự là văn bản ban hành sau.
Quyết định giám đốc thẩm vụ án này tiếp tục khẳng định việc áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế như hướng dẫn tại Giải đáp 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2017 là áp dụng quy định mới về thời hiệu của Bộ luật Dân sự năm 2015 cho cả những trường hợp thừa kế mở trước 01/01/2017, kể cả các vụ án đã được xét xử ở thời điểm trước 01/01/2017 nay xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại.
- Đã trả lại tiền lừa đảo từ trước khi có đơn tố cáo thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Trong thời gian từ tháng 9/2012 đến tháng 3/2013, các bị cáo Võ Trường G, Lê Thị T, Trần Thị Y đã cùng nhau lập 9 chứng từ khống, giả chữ ký chủ tài khoản và kế toán trưởng để chuyển 882 triệu đồng từ tài khoản của Công ty Thái Hòa tại Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Quốc tế sang tài khoản cá nhân rồi chia nhau. Khi Công ty Thái Hòa phát hiện, D, T, Y đã nộp lại 376 triệu đồng vào tài khoản của Công ty trước khi Công ty có đơn tố cáo với Cơ quan điều tra. Sau đó, D,T,Y lại nộp tiếp 446 triệu còn lại trước khi khởi tố vụ án hình sự.
Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt mỗi bị cáo 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa án cấp phúc thẩm (Bản án hình sự phúc thẩm số 70/2017/HS-PT ngày 29/3/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng) chỉ áp dụng Điểm a Khoản 3 Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt mỗi bị cáo 3 năm tù và đều cho hưởng án treo.
Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm, đề nghị hủy phần áp dụng pháp luật và hình phạt của bản án phúc thẩm để xét xử lại vì cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm đã áp dụng sai khung hình phạt, áp dụng sai tình tiết giảm nhẹ, ấn định mức hình phạt đối với các bị cáo không nghiêm.
Tại phiên họp ngày 21/3/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC. Trong nhận định của Hội đồng Thẩm phán có một số vấn đề cần lưu ý là:
Các bị cáo đã chiếm đoạt được tài sản ở thời điểm chuyển được tiền sang tài khoản cá nhân. Ở thời điểm này, tội phạm đã hoàn thành. Do vậy, số lượng tài sản chiếm đoạt để xác định khung hình phạt phải là số tiền những người phạm tội đã chuyển được từ tài khoản của Công ty sang tài khoản cá nhân. Thực tế các bị cáo đã rút được tiền ra chia nhau. Do vậy, xác định các bị cáo phạm vào Khoản 4 Điều 139 (Trường hợp chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên) như bản án sơ thẩm là đúng. Bản án phúc thẩm không coi số tiền các bị cáo đã nộp lại trước khi bị tố cáo là tiền lừa đảo chiếm đoạt được nên chỉ áp dụng Khoản 3 Điều 139 (Trường hợp chiếm đoạt dưới 500 triệu đồng) là không đúng.
Việc các bị cáo đã nộp lại toàn bộ tiền chiếm đoạt trước khi bị khởi tố chỉ là việc tự nguyện khắc phục hậu quả nên bản án sơ thẩm đã xác định các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 46 là đúng; bản án phúc thẩm lại áp dụng thêm Điểm g (chưa gây hậu quả) là không đúng.
Như vậy, dù đã trả lại tiền lừa đảo từ trước khi bị tố cáo thì người phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt được. Họ chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ là đã tích cực khắc phục hậu quả.
2. KỲ HỌP THÁNG 4/2019 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TANDTC: Kỳ họp tháng 4/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã giải quyết một số vụ án liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó, nhiều vấn đề về nghiệp vụ xét xử được cụ thể hóa thông qua những vụ án này.
- Tránh nhầm lẫn quy định về nghĩa vụ riêng, nghĩa vụ chung với xác định tài sản chung và vấn đề “nhu cầu thiết yếu của gia đình”
Vụ kiện giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Mỹ V với các bị đơn Bùi Văn T, Lê Thị H là vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tiền. Ngày 31/5/2016, ông T ký hợp đồng tại phòng công chứng vay của bà V 819 triệu đồng, thời hạn trả là 18/6/2016. Ngày 20/6/2016, bà V khởi kiện đòi ông T và bà H (vợ ông T) liên đới trả nợ tiền vay. Bà H khai rằng không biết về khoản vay này và không đồng ý liên đới cùng ông T trả nợ.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều buộc bà H cùng liên đới trả nợ. Viện trưởng VKSND cấp cao có kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng bà H không có trách nhiệm liên đới trả nợ. TAND cấp cao tại TP. Hồ chí Minh (Quyết định giám đốc thẩm số 118/2018/DS-GĐT ngày 7/2/2018) đã không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm. Ông T và bà H có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định giám đốc thẩm số 118/2018 nêu trên.
Tại phiên họp ngày 5/4/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Quyết định giám đốc thẩm số 118/2018, hủy Bản án phúc thẩm, giao cho Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm lại theo hướng xác định bà H không có trách nhiệm liên đới trả khoản tiền 819 triệu đồng nêu trên nếu không có căn cứ gì mới.
Từ nhận định của Kháng nghị và nhận định của Hội đồng Thẩm phán, có một số sai sót cần rút kinh nghiệm như sau:
Bản án sơ thẩm, Bản án phúc thẩm, Quyết định giám đốc thẩm số 118/2018 của Tòa án cấp cao đều xác định bà H có trách nhiệm liên đới trả nợ vì vay trong thời kỳ hôn nhân. Đây là nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật. Tài sản do một bên tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung (quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Nhưng không có quy định nào là cứ vay trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung.
Các đương sự đều thừa nhận bà H không tham gia ký kết hợp đồng vay tiền. Nguyên đơn cho rằng bà H biết việc vay tiền nên yêu cầu bà H liên đới trả nợ thì nguyên đơn có trách nhiệm chứng minh bà H biết và đồng tình để ông T vay tiền. Tòa án cấp sơ thẩm lại đòi hỏi bà H phải chứng minh việc mình không tham gia, không biết là không đúng với quy định về nghĩa vụ chứng minh và những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh quy định tại các Điều 91, 92 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).
Một bên vợ hoặc chồng không tham gia giao dịch mà vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới chỉ trong trường hợp quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình. Điều 27 dẫn chiếu đến các Điều 24, 25, 26 và 37, đó là:
-Điều 24: Đây là trường hợp bên giao dịch đã là đại diện hợp pháp của bên kia (theo ủy quyền hoặc theo pháp luật);
-Điều 25: Đây là trường hợp kinh doanh chung;
-Điều 26: Là trường hợp người thứ ba ngay tình được bảo vệ;
-Điều 37: Là trường hợp “nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”.
Hợp đồng vay tiền trong vụ án này không thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
Trong Kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao đối với bản án phúc thẩm đã nêu đây không thuộc trường hợp “nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”. Quyết định giám đốc thẩm số 118/2018 không nhận xét về nội dung này nhưng giải trình của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có nêu khái niệm “đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình” chưa được giải thích rõ. Tuy nhiên, khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. Rõ ràng là cứ theo lời văn của khoản 20 này thôi thì việc vay 819 triệu đồng trong vụ án này không thể được coi là vì “nhu cầu thiết yếu của gia đình”.
- Nghĩa vụ chứng minh là của ai?
Vụ kiện giữa nguyên đơn Lê Thị Nha T với bị đơn Lê Khánh H là vụ án tranh chấp về nghĩa vụ trả tiền. Trước đây, các đương sự đã có tranh chấp về việc chia thừa kế nhà 20 Võ Trứ. Tại Bản án sơ thẩm số 35/2007/DS-ST ngày 19/9/2007 (đã có hiệu lực pháp luật) đã quyết định giao cho ông H sở hữu nhà 20 Võ Trứ và ông H phải trả cho bà T 462 triệu đồng (bà T đang cư trú tại Mỹ). Ngày 15/5/2008, bà T và ông H ký Bản cam kết với nội dung ông H không phải trả bà T khoản 462 triệu đồng và 10.000 USD tiền vay nhưng chỉ được sử dụng nhà 20 Võ Trứ vào mục đích thờ cúng.
Ngày 11/3/2015, bà T khởi kiện yêu cầu hủy cam kết ngày 15/5/2008 vì cho rằng ông H đã vi phạm cam kết này; đòi ông H trả cho bà khoản tiền 462 triệu đồng, khoản tiền vay 10.000 USD và khoản tiền vay 20.000 USD mà ông H đã xác nhận nợ tại Thư ngày 7/11/2007. Ông H chỉ đồng ý trả khoản tiền 462 triệu và 10.000 USD, không đồng ý trả khoản tiền 20.000 USD vì ông cho rằng khoản tiền này chính là khoản tiền 462 triệu.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm (Bản án phúc thẩm số 02/2015/DS-PT ngày 10/11/2015 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng) đều buộc ông H phải trả cả 3 khoản tiền cho bà T. Ông H có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.
Tại phiên họp ngày 5/4/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy bản án phúc thẩm, giao xét xử phúc thẩm lại theo hướng không chấp nhận yêu cầu của bà T về khoản tiền 20.000 USD nếu không có chứng cứ gì mới. Nhận định của Hội đồng Thẩm phán có vấn đề về trách nhiệm chứng minh cần lưu ý là:
Bà T xuất trình Thư ngày 7/11/2007 của ông H gửi bà T để chứng minh ông H có nợ khoản vay 20.000 USD. Nhưng trong thư này có nội dung cụ thể là “Còn về chuyện nhà cửa, em còn nợ chị 20.000 USD”. Trong thư này cũng không nhắc đến khoản tiền 462 triệu. Do đó, nội dung thư này thể hiện đúng như ông H khai rằng nói về khoản tiền 20.000 USD là nói về khoản tiền 462 triệu chia thừa kế nhà 20 Võ Trứ mà ông H phải thanh toán cho bà T. Bà T nêu rằng 20.000 USD là vay về việc khác thì lời khai này không phù hợp với nội dung thư, bà T phải có nghĩa vụ xuất trình chứng cứ để chứng minh. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại đòi hỏi ông H phải xuất trình chứng cứ chứng minh 20.000 USD không phải là khoản vay khác là đánh giá chứng cứ không đúng thực tế chứng cứ hiện có, không đúng theo quy định của Điều 91, Điều 92 BLTTDS.
- Tự ý đi qua đất người khác, bị buộc trả lại lối đi thì Tòa án có phải giải quyết lối đi khác cho họ không?
Nguyên đơn Nguyễn Văn C kiện đòi các bị đơn Phan Văn H, Phan Văn M, Phan Ngọc L, Phan Thị D trả lại thửa đất số 66 ở TP. Bà Rịa mà gia đình nguyên đơn đã nhận chuyển nhượng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 16/3/1998. Các bị đơn cho rằng đây là đất trống, họ đã sử dụng từ lâu nên không đồng ý trả.
Trên thửa đất số 66 có lối đi (diện tích 12,4m2) mà 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là ông Phan Văn N, bà Nguyễn Minh Ch, bà Phan Thị B đang sử dụng. Những người này thừa nhận trước năm 2009 thì đi nhờ qua đất ông H nhưng do ông H làm nhà mới lên lối đi nên phải đi nhờ như hiện nay. Ông N, bà Ch, bà B yêu cầu được tiếp tục sử dụng lối đi vì không có lối đi nào khác.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã buộc các bị đơn trả lại đất đang sử dụng tại thửa 66 cho nguyên đơn, buộc những người đang sử dụng lối đi 12,4m2 trả lại đất lối đi cho nguyên đơn với nhận định: Lối đi cũ sau khi ông H làm nhà thì vẫn còn với chiều rộng 80cm trong khi lối đi hiện tại không phải là lối đi công cộng.
Những người phải trả lại lối đi có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm (Bản án số 110/2016/DS-PT ngày 6/6/2016 của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh).
Tại phiên họp ngày 5/4/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy phần giải quyết về lối đi của Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm để giao xét xử sơ thẩm lại với một số nhận định đáng lưu ý sau:
Những người đang sử dụng lối đi là những chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra nên có quyền yêu cầu giải quyết một lối đi qua bất động sản liền kề theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015). Giải quyết việc đòi lại đất mà đất đó chính là lối đi đang sử dụng phải đồng thời xem xét đến lối đi mới của người phải trả lại đất.
Quy định về quyền lối đi qua bất động sản liền kề cũng quy định “được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất”. Lối đi cũ cũng là đi nhờ và đã không sử dụng từ lâu do xây dựng công trình nên đất còn lại chỉ rộng 80cm. Việc coi như các đương sự vẫn có lối đi, buộc trả lại lối đi đang sử dụng mà không giải quyết lối đi mới là không bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự.
3. KỲ HỌP THÁNG 5/2019 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
- Chuyển sở hữu chung hợp nhất sang sở hữu chung theo phần và hậu quả pháp lý
Căn nhà số X đường Điện Biên Phủ, TP. Hồ Chí Minh thuộc sở hữu của cụ Đỗ Văn G và vợ là cụ Lê Thị H theo bằng khoán điền thổ từ năm 1975. Cụ G và cụ H có 6 con chung. Cụ G chết năm 1990.
Thời điểm năm 2008, có 5 người con của cụ H và cụ G đang cư trú ở nước ngoài. Tại Xác nhận ngày 5/12/2008 của cụ H có nội dung: “Tài sản nhà đất số X đường Điện Biên Phủ… là tài sản thuộc sở hữu chung của tôi và các đồng thừa kế của ông Đỗ Văn G… Việc tôi đứng tên chủ sở hữu là đứng tên giùm cho các con, khi nào nhà nước có chính sách nhà đất mới hoặc các con yêu cầu chia giá trị tài sản tôi sẽ thực hiện việc trả lại tài sản này”. Trước khi có xác nhận này, các con của cụ H đã lập hợp đồng tặng cho phần thừa kế của mình về ngôi nhà X cho cụ H. Ngày 10/6/2010, cụ H đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số X với diện tích 573m 2.
Ngày 20/7/2012, cụ H ký hợp đồng tặng cho bà L một phần nhà X với diện tích 203m2. Ngày 3/12/2012, Bà L đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đối với phần nhà được cho; phần nhà này được cấp số mới là XA.
Ngày 8/10/2015, bà L ký hợp đồng bán một phần nhà XA cho ông K với diện tích 124m2. Ngày 11/3/2016, ông K được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu phần nhà mua của bà L; phần nhà này mang số mới là XB.
Cụ H đã chết ngày 25/1/2016. Ngày 19/2/2016, bà T (em bà L) khởi kiện, yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho nhà giữa cụ H với bà L và hợp đồng mua bán nhà giữa bà L và ông K vô hiệu.
Tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T. Bà T kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà T. Ông K có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Tại phiên họp ngày 22/5/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Bản án phúc thẩm, giao cho TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại.
Kháng nghị và nhận xét của cấp giám đốc thẩm cho thấy một số vấn đề nghiệp vụ cần được tham khảo, rút kinh nghiệm như sau:
Cơ sở pháp lý của việc công nhận hợp đồng tặng cho nhà giữa cụ H với bà L và hợp đồng mua bán nhà giữa bà L với ông K:
Giấy xác nhận ngày 5/12/2008 của cụ H xác định, cụ chỉ đứng tên giùm các đồng chủ sở hữu khác, cũng có nghĩa xác định những hợp đồng tặng cho cụ là giả tạo. Việc cụ H được cấp chứng nhận chủ sở hữu nhà X vào ngảy 10/6/2010 là phù hợp với xác nhận 5/12/2008 nêu trên. Giao dịch giả tạo thì vô hiệu, giao dịch thực tế phù hợp quy định của pháp luật vẫn được công nhận.
Với việc đứng tên giùm thì thực tế cụ H vẫn là chủ sở hữu đối với một nửa tài sản chung với cụ G và một kỷ phần thừa kế của cụ G. Do đó, Cụ H cho bà L phần nhà XA (diện tích 203m2/573m2) là không vượt quá phần quyền sở hữu của cụ trong sở hữu chung. Hợp đồng tặng cho này không có dấu hiệu có những vi phạm khác và đã được đăng ký (cấp giấy chúng nhận quyền sở hữu) nên đã có hiệu lực.
Nếu cụ G còn sống thì việc một mình cụ H tặng cho bà L, dù là tặng cho một phần nhà cũng là không hợp pháp vì sở hữu chung vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất, luật chuyên ngành (Luật Hôn nhân và gia đình) cũng đã quy định rõ những trường hợp nào một người được định đoạt tài sản chung. Tuy nhiên, từ thời điểm mở thừa kế của cụ G thì phần tài sản chung vợ chồng của cụ G đã chuyển thành di sản thừa kế, thuộc sở hữu chung của các thừa kế của cụ G. Cũng từ thời điểm đó, tài sản chung của cụ H và các đồng thừa kế (toàn bộ nhà X) thuộc sở hữu chung theo phần. Cụ H có quyền định đoạt không vượt quá phần sở hữu của mình mà không phải hỏi ý kiến các đồng chủ sở hữu khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 216 Bộ luật Dân sự năm 2005, đó là:
“Mỗi chủ sở hữu theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Đối với hợp đồng mua bán nhà giữa ông K và bà L: Bà L đã có quyền sở hữu nhà XA (được cụ H cho) thì việc bán một phần nhà này cho ông K là hợp pháp. Cả trong trường hợp việc tặng cho nhà XA bị hủy hay tuyên bố vô hiệu thì việc mua bán nhà XB cũng không vô hiệu do nhà XA đã được cấp giấy chúng nhận sở hữu cho bà L, ông K là người mua ngay tình, được bảo vệ theo quy định tại Điều 258 Bộ luật Dân sự năm 2005 vì giấy chứng nhận sở hữu cũng là “quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Tại sao cấp giám đốc thẩm không giữ nguyên bản án sơ thẩm mà lại giao xét xử phúc thẩm lại?
Cơ sở pháp lý để công nhận hợp đồng tặng cho phần nhà XA và hợp đồng mua bán phần nhà XB của Hội đồng Thẩm phán khác với Bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm cho rằng: Xác nhận ngày 5/12/2008 chỉ có cụ H ký nên không có giá trị và công nhận việc các con cho cụ H phần thừa kế của họ là hợp pháp. Cấp giám đốc thẩm không xem Xác nhận ngày 5/12/2008 như một hợp đồng có hợp pháp hay không mà xác định đó là một chứng cứ chứng minh các hợp đồng tặng cho cụ H là giả tạo; vì giả tạo nên cụ H không phải chủ sở hữu nhà duy nhất nhưng hợp đồng tặng cho bà L vẫn hợp pháp vì không vượt quá phần quyền sở hữu của cụ H. Do nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm là không chuẩn xác nên Tòa án cấp giám đốc thẩm đã không hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm (áp dụng khoản 2 Điều 343 BLTTDS) mà là hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại (áp dụng khoản 3 Điều 343 BLTTDS).
- Sai lầm về xác định quan hệ tranh chấp và xác định quan hệ nhân quả
Vụ kiện giữa nguyên đơn Nguyễn Thị H với bị đơn Trần văn T có yêu cầu bồi thường thiệt hại về một số mía bị hư hỏng do không vận chuyển đi tiêu thụ được.
Bà H trình bày: Gia đình bà vẫn thường vận chuyển mía qua con đường rộng 4 mét, cạnh rẫy của gia đình ông T. Ngày 7/1/2012, bà đã vận chuyển được 3 xe ô tô mía đi tiêu thụ thì gia đình ông T đào hố trồng mía làm con đường thu hẹp chỉ còn 2 mét. Còn 18 tấn mía của gia đình bà bị hỏng do không vận chuyển đi được. Ngày 28/5/2012, bà H khởi kiện yêu cầu buộc ông T bồi thường 65 triệu đồng về số mía bị hỏng.
Ông T trình bày: Gia đình ông nhận chuyển nhượng đất rẫy của bà Triệu Thị L. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ con đường đi bên cạnh đất nhà ông rộng 2 mét. Ông đào hố trồng mía trong đất nhà ông, vẫn chừa lại 2 mét đường đi. Ông không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của bà H.
Trước khi có khởi kiện nêu trên thì chính quyền địa phương đã hòa giải giữa ông T và 6 hộ sử dụng đất liên quan. Ông T đã đồng ý chừa lại đường đi rộng 4 mét như cũ để sử dụng chung.
Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc ông T bồi thường cho bà H 27.445.000 đồng. Cả hai bên đương sự kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà H đòi ông T bồi thường thiệt hại.
Bà H có đơn yêu cầu xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 12/2017/DS-GĐT ngày 09/5/2017, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy Bản án phúc thẩm, Bản án sơ thẩm, giao xét xử sơ thẩm lại với nhận xét: Cần làm rõ việc chuyển nhượng đất của bà L cho ông T là chuyển nhượng toàn bộ đất hay vẫn chừa lại đường đi. Cần phải đưa bà L vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Quyết định giám đốc thẩm số 12/2017 nêu trên đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Tại phiên họp ngày 22/5/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy quyết định giám đốc thẩm số 12/2017 nêu trên, giữ nguyên Bản án phúc thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm số 12/2017 và Bản án sơ thẩm đã có một số sai lầm cần rút kinh nghiệm như sau:
Vụ án này chỉ có yêu cầu bồi thường thiệt hại 65 triệu đồng về số mía bị hỏng. Phạm vi xét xử của Tòa án chỉ là yêu cầu đòi bồi thường 65 triệu đồng. Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn không làm phát sinh một quyền dân sự hay nghĩa vụ dân sự gì cho bà L (người đã chuyển nhượng đất cho ông T). Vì vậy, không thể đưa bà L vào tham gia tố tụng với tư cách đương sự (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) như nhận xét của quyết định giám đốc thẩm số 12/2017. Bà L nếu có được triệu tập thì chỉ có thể tham gia với tư cách người làm chứng.
Đây là vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, không phải là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Các chứng cứ cần thu thập phải trên cơ sở những vấn đề phải chứng minh của vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Sự kiện gây thiệt hại mà nguyên đơn nêu ra là ngày 07/01/2012, thuộc thời kỳ thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 nên pháp luật áp dụng là Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Mục 1 Phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Theo quy định của pháp luật nêu trên thì một trong các yếu tố (4 yếu tố) phát sinh trách nhiệm bồi thường là:
Có hành vi trái pháp luật;
Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật.
Quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã được nêu rõ trong Nghị quyết 03/2006 là “Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật”.
Thực tế của vụ án, nếu không vận chuyển được bằng ô tô thì bà H có thể vận chuyển mía bằng các phương thức khác. Việc mía bị bỏ cho hỏng không phải là kết quả tất yếu của hành vi đào hố thu hẹp đường đi của ông T. Rõ ràng là không có quan hệ nhân quả giữa hành vi của ông T với thiệt hại. Chỉ riêng tình tiết này đã đủ cơ sở không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của bà H; không cần phải xét hành vi của ông T có phải là hành vi trái pháp luật hay không.
Thực tế, ông T trồng mía trong phạm vi đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Hành vi làm hẹp đường đi mọi người đang sử dụng là không thiện ý nhưng không phải là hành vi trái pháp luật.
- Thỏa thuận về đất mà không có xác nhận của cấp có thẩm quyền có hợp pháp không? Đã thực hiện thỏa thuận rồi có quyền thay đổi không?
Ngày 14/4/2002, bà Nguyễn Thị H ký kết hợp đồng với ông Võ Văn C với nội dung: Bà H chuyển nhượng cho ông C 945m2 đất để ông C thực hiện dự án xây dựng khu dân cư. Ông C sẽ trả bà H diện tich đất ở trong khu dân cư với diện tích bằng 60% diện tich đất ông C đã nhận. Hợp đồng có xác nhận của Ủy ban nhân dân thị trấn ngày 17/4/2002.
Ngày 6/3/2013, bà H khởi kiện yêu cầu ông C trả bà giá trị diện tích đất đã chuyển nhượng là 4.725.000.000 đồng.
Ông C trình bày: Do UBND điều chỉnh diện tích đất ở tại khu dân cư nên không có đất thực hiện giao trả bà H theo hợp đồng. Ông và bà H đã thỏa thuận trả bằng tiền với giá 1 tỷ đồng. Ông nhờ ông Lâm Văn Q chuyển tiền trả bà H. Bà H đã nhận đủ tiền ngày 12/6/2006 từ ông Q. Do đó, ông không còn nghĩa vụ phải thanh toán cho bà H.
Ông Q trình bày: Ông có thỏa thuận sẽ nhận chuyển nhượng lại diện tích đất mà ông C trả bà H nên ông đã trả thay ông C1 tỷ đồng cho bà H ngày 12/6/2006, nhưng sau đó không còn đất nên ông đã nhận tiền từ ông C 1 tỷ đồng ngày 18/7/2006. Khi tranh chấp nợ giữa ông và ông C tại TAND quận X, hai bên cũng đã có xác nhận việc giao nhận 1 tỷ đồng liên quan đến bà H như nêu ở trên.
Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của bà H, buộc ông C trả bà H 4.725.000.000 đồng. Ông C kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã bác yêu cầu của bà H. Bà H có đơn yêu cầu xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Chánh án TAND cấp cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 214/2016/DS-GĐT ngày 7/9/2016, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã hủy Bản án phúc thẩm, giao xét xử phúc thẩm lại với lý do: Bà H trình bày bà đã trả lại ông Q 1 tỷ đồng và ông Q cũng xác nhận đã nhận lại 1 tỷ đồng. Ông C không có chứng cứ đã trực tiếp giao tiền trả bà H. Do đó, cần xác định lại giá trị đất được bồi thường để xem xét yêu cầu của bà H.
Quyết định giám đốc thẩm số 214/2016 nêu trên đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Tại phiên họp ngày 22/5/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Quyết định giám đốc thẩm số 214/2016 nêu trên, giữ nguyên Bản án phúc thẩm. Từ nhận định của Kháng nghị và nhận định của Hội đồng Thẩm phán, có một số vấn đề nghiệp vụ cần rút kinh nghiệm như sau:
Về đánh giá chứng cứ để xác định sự kiện pháp lý giao nhận 1 tỷ đồng:
Tại Giấy biên nhận ngày 18/7/2006, bà H đã ký nhận số tiền 1 tỷ đồng nhận từ ông Q. Tại Tờ tự khai ngày 20/5/2011 (khi chưa khởi kiện vụ án này), bà H đã khai “Do ông C không có đất thổ cư để giao lại cho tôi…theo như hợp đồng thỏa thuận đã được chứng thực chữ ký hai bên tại UBND thị trấn… ngày 14/4/2002 nên thông qua ông Q hai bên đã thương lượng và tôi đồng ý sang nhượng lại phần đất nêu trên với giá 1 tỷ đồng và ông Q đã giao đủ cho tôi 1 tỷ đồng theo biên nhận ngày 18/7/2006. Tôi đã nhận đủ tiền sang nhượng đất và không thắc mắc gì khác”. Trong khi đó, ông Q có biên nhận ngày 20/7/2006 ghi rõ “Tôi: Lâm văn Q có nhận của Võ Văn C số tiền 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) gởi trả cho chị H phần đất khoảng 1000m2 tại khu phố 6”. Với các lời khai như trên, sự kiện bà H nhận 1 tỷ đồng từ ông Q vào tháng 7/2006 đã được chính bà H và ông Q mô tả rõ sự thống nhất ý chí với ông C là tiền của ông C thanh toán tiền chuyển nhượng đất theo hợp đồng ngày 14/4/2002.
Về hiệu lực pháp lý của thỏa thuận trả bằng tiền thay cho thỏa thuận trả bằng đất trong hợp đồng ngày 14/4/2002:
Hợp đồng ngày 14/4/2002 là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong đó, điều khoản thanh toán là trả bằng đất (chưa được xác định cụ thể ở thời điểm giao kết). Do trở ngại khách quan, không có đất để trả nên đã có thỏa thuận mới là trả bằng tiền. Thỏa thuận mới này cũng giao dịch về quyền sử dụng đất nên cũng phải tuân thủ quy định hình thức của hợp đồng về quyền sử dụng đất (bằng văn bản và có xác nhận của cấp có thẩm quyền). Thỏa thuận trả bằng tiền giữa bà H và ông C chưa tuân thủ hình thức theo quy định. Nếu bà H chưa nhận tiền của ông C thì bà H hoàn toàn có quyền thay đổi thỏa thuận.
Tuy nhiên, bà H đã nhận tiền của ông C. Lời khai ngảy 20/5/2011 nêu trên của bà H thể hiện bà đã nhận số tiền đúng với giá trị đất chuyển nhượng ở thời điểm nhận tiền. Quyền lợi của bà H từ hợp đồng ngày 14/4/2002 đã đảm bảo. Do vậy, không có cơ sở để ấn định ông C phải có thêm nghĩa vụ với bà H. Việc có hay không có việc bà H trả lại tiền cho ông Q không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của ông C nên quyết định giám đốc thẩm số 214/2016 hủy Bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại là không cần thiết.
4. KỲ HỌP THÁNG 6/2019 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TANDTC
- Sai lầm từ việc xác định không đúng về hiệu lực của quyết định thu hồi đất
Vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Cự Q (định cư ở Mỹ, có quốc tịch Mỹ và Việt Nam) với người bị kiện là Ủy ban nhân dân tỉnh L có đối tượng khởi kiện là hành vi hành chính không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại phiên họp ngày 24/6/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Chánh án TANDTC, hủy Bản án hành chính phúc thẩm số 36/2015/HC-PT ngày 14/4/2015 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 10/2014/HC-ST ngày 22/9/2019 của TAND tỉnh Lâm Đồng. Bản án hành chính sơ thẩm đã không chấp nhận khởi kiện của ông Nguyễn Cự Q yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông đối với diện tích 3.512 m2 đất tại 7B đường P, thành phố Đ.
Diện tích 10.097m2 tại 7B đường P thuộc quyền sử dụng của cha mẹ ông Q là cụ Nguyễn T (chết năm 1995) và vợ là cụ Trần T (chết năm 2003).Ngày 28/7/1987, UBND tỉnh L có Quyết định số 472/QĐ-UBND thu hồi 3.512m2 đất tại 7 B đường P giao cho Công ty X. Cụ Nguyễn T có khiếu nại về việc thu hồi đất. UBND tỉnh L đã có Thông báo số 124/TB-UB ngày 10/9/1987 không chấp nhận khiếu nại của cụ Nguyễn T. Ngày 7/7/1997, UBND tỉnh L có quyết định 1001/QĐ-UBND có nội dung thu hồi Quyết định số 472/QĐ-UBND, giao đất cho UBND thành phố Đ quản lý.
Năm 1997, bà Th (vợ ông Q) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng với diện tích 4.575m2 và năm 2008, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thêm diện tích 726m2 tại 7B đường P. Từ năm 2000, bà Th và ông Q có nhiều đơn yêu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích còn lại (3.512m2) nhưng không được chấp nhận. Ngày 11/7/2011, ông Q khởi kiện UBND tỉnh L về hành vi không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông.
Bản án hành chính phúc thẩm đã chấp nhận khởi kiện của ông Q về việc yêu cầu UBND tỉnh L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có nhận định: “Thực tế gia đình ông Q, bà Th khai phá, quản lý, sử dụng diện tích đất trên liên tục từ trước giải phóng đến nay. Việc UBND tỉnh L có quyết định thu hồi đất trên nhưng thực tế chưa thu hồi, quản lý, sử dụng và chưa rõ ràng trong việc đền bù. Do vậy, gia đình ông Q, bà Th có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kể trên”.
Nhận định của Kháng nghị giám đốc thẩm và nhận định của Hội đồng Thẩm phán đã bác bỏ nhận định của Bản án phúc thẩm và có ý nghĩa rút kinh nghiệm cụ thể về một số vấn đề sau:
Diện tích đất 3.512m2đất đã có Quyết định thu hồi đất số 472/QĐ-UBND. Quyết định 1001/QĐ-UBND có nội dung thu hồi Quyết định 472/QĐ-UBND nhưng không phải là trả lại đất cho gia đình cụ Nguyễn T mà chỉ chuyển giao quyền quản lý từ Công ty X sang UBND thành phố Đ. Quyết định này đang có hiệu lực nên gia đình ông Q không thuộc trường hợp sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp. Như vậy, quyền sử dụng đất đã bị thu hồi từ khi có Quyết định 472/QĐ-UBND (có hiệu lực từ ngày ký là ngày 28/7/1987), không đòi hỏi phải chuyển giao cho người khác trực tiếp sử dụng như nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm.
Do đã có quyết định có hiệu lực xác định quyền quản lý đất là của người khác nên gia đình ông Q dù vẫn tiếp tục sử dụng đất là sử dụng không hợp pháp chứ không phải trường hợp sử dụng ổn định, không có tranh chấp để được cấp giấy chứng nhận theo quy định ở Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
Đặt vấn đề “chưa rõ ràng trong việc đền bù” để xem xét lại các quyết định thu hồi đất cũng là không đúng vì phạm vi của vụ án này chỉ là xem xét hành vi hành chính không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; còn việc thu hồi đất không thuộc phạm vi của vụ án này. Như vậy, cấp phúc thẩm không chỉ sai lầm về đánh giá hiệu lực của quyết định thu hồi đất mà còn có sai lầm về xác định phạm vi xét xử, quyền hạn của hội đồng xét xử trong vụ án cụ thể.
- Vận chuyển ma túy bán cho người khác để hưởng tiền công có phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”?
Ngày 29/12/2016, Công an quận H phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an kiểm tra xe ô tô do Phạm Văn H điều khiển. Kết quả kiểm tra đã thu giữ trong xe do H điều khiển chứa 4 túi nylon màu trắng (giám định kết luận là Methamphetamine, tổng trọng lượng là 3.611,46gam) và một số vật chứng khác.
Tại Cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm H khai: Một người Trung Quốc gọi điện thoại thuê H mang 5 túi ma túy đá từ Lạng Sơn về Bắc Giang và Hà Nội để bán cho khách theo số điện thoại của người mua và trả công cho H 10.000.000 đồng/túi. H đã giao được 1 túi ma túy tại tỉnh Bắc Giang, khi đang trên đường đi Hà Nội giao 4 túi ma túy thì bị bắt quả tang. Cơ quan điều tra không có căn cứ để xác minh làm rõ người Trung quốc và người mua ma túy.
Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm e khoản 4 Điều 194 BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo H tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: “Bị cáo H không biết người giao, người nhận; không biết việc thỏa thuận mua bán chất ma túy được thỏa thuận và diễn ra thế nào…” nên đã chuyển tội danh cho H từ tội “Mua bán trái phép chất ma túy” sang tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, xử phạt H hình phạt tù chung thân (Bản án số 05/2018/HSPT ngày 12/1/2018 của TAND cấp cao tại Hà Nội).
Viện trưởng VKSNDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về tội danh và hình phạt. Tại phiên họp ngày 3/6/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC, hủy Bản án hình sự phúc thẩm, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm.
Từ xác định Tòa án cấp phúc thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng, có vấn đề về xác định tội danh cần lưu ý như sau:
Điểm 3 mục II Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999, có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2015 đã quy định như sau:
“3.2…Người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm”.
Phạm Văn H thừa nhận nhận ma túy từ người bán, giao ma túy cho người mua là trường hợp “biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy”. Như vậy, theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 08/2015 nêu trên thì rõ ràng là phải xác định H phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi BLHS năm 2015 đã được công bố (9/12/2015) thì còn có thể áp dụng Thông tư liên tịch 8/2015 hay không?
Trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng đều áp dụng BLHS năm 1999 là đúng. Đã áp dụng BLHS năm 1999 thì việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành BLHS năm 1999 cũng là bắt buộc.Khi BLHS năm 1999 hết hiệu lực thi hành thì văn bản hướng dẫn thi hành cũng hết hiệu lực. Tuy nhiên, nếu không có quy định mới có lợi hơn cho người phạm tội, không có hướng dẫn mới thay thế thì những hướng dẫn cũ vẫn có giá trị để nhận thức và áp dụng pháp luật. Vì vậy, tham khảo Thông tư liên tịch 08/2015 để xác định các hành vi Mua bán trái phép chất ma túy vẫn là cần thiết. Do đó, hành vi tương tự như Phạm Văn H xảy ra ở thời điểm thi hành BLHS năm 2015 (từ 1/1/2018) thì vẫn phải xác định là phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy.
- Mua bán trái phép hóa đơn hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Trong các năm từ 2002 đến 2004, Nguyễn Việt Th, Nguyễn Thanh C, Đặng Hoàng H đã cùng nhau lập doanh nghiệp tư nhân (Doanh nghiệp Hoàng H), với ngành nghề mua bán tôm nguyên liệu nhưng không hoạt động kinh doanh mà chỉ nhằm chiếm đoạt tiền khấu trừ thuế giá trị gia tăng của nhà nước. Th, C, H đã mua hóa đơn từ Cục thuế tỉnh, làm khống hóa đơn của Doanh nghiệp Hoàng H và một số doanh nghiệp khác, chiếm đoạt được số tiền khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 3.078.313.177 đồng.
Đặng Hoàng H và các đồng phạm khác đã bị xét xử tại Bản án hình sự sơ thẩm 11/2012/HSST và Bản án hình sự phúc thẩm 247/2012/HSPT. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2016/HSST ngày 31/10/2016, TAND tỉnh Cà Mau đã xử phạt Nguyễn Việt Th 10 năm tù và Nguyễn Thanh C 7 năm tù đều về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo kháng cáo. Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 654/2017/HSPT ngày 13/12/2017, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt Nguyễn Việt Th 3 năm 2 tháng 26 ngày tù, xử phạt Nguyễn Thanh C 4 năm 2 tháng 18 ngày tù đều về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” (bằng thời gian các bị cáo bị tạm giam).
Viện trưởng VKSNDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 654/2017/HSPT. Tại phiên họp ngày 3/6/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã xét xử giám đốc thẩm, quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 654/2017/HSPT ngày 13/12/2017 về phần tội danh và áp dụng hình phạt, giữ nguyên các quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2016/HSST ngày 31/10/2016 của TAND tỉnh Cà Mau.
Từ nhận định của Kháng nghị và của Hội đồng giám đốc thẩm, có vấn đề về xác định tội danh cần lưu ý là:
Các bị cáo đã có hành vi gian dối để cơ quan thuế tin rằng có hoạt động kinh doanh hợp pháp thực tế, từ đó cho các bị cáo được nhận tiền khấu trừ thuế giá trị gia tăng. Các bị cáo đã chiếm đoạt được tiền của Nhà nước, đã có đầy đủ dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 BLHS năm 1999.
Hành vi mua bán hóa đơn của các bị cáo chỉ là một trong những hành vi gian dối mà các bị cáo đã thực hiện. Hành vi này chưa bị quy định là một tội độc lập trong BLHS năm 1999. Tại BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 mới có quy định tại Điều 164a về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”. Đây là tội rất nhẹ so với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên mức hình phạt tối đa chỉ là 5 năm tù. Hành vi phạm tội chỉ là in, phát hành, mua bán nên một dấu hiệu thuộc cấu thành cơ bản phải là “số lượng lớn” hoặc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” hoặc “đã bị kết án về hành vi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Với quy định như trên cho thấy người có hành vi phạm tội theo Điều 164a không tham gia vào việc sử dụng các hóa đơn, chứng từ để thực hiện hành vi phạm tội khác.
Các bị cáo trong vụ án này không chỉ mua bán trái phép hóa đơn mà đã thực hiện các hành vi khác, có đầy đủ dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải bị xử phạt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng tương tự như dùng súng giết người thì phải bị xử phạt về tội giết người (hoặc thêm tội sử dụng vũ khí trái phép) chứ không thể chỉ xử phạt về tội Sử dụng vũ khí trái phép.
5. MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIỆP VỤ TỪ CÁC PHIÊN TÒA THÁNG 10/2019 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN: Các phiên tòa được đưa ra xem xét trong tháng 10 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã giải quyết được một số vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ. Sau đây là một số vụ án cụ thể được đưa ra xem xét tại các phiên tòa này.
- Kết luận giám định đúng chữ ký, tại sao vẫn không phải chịu trách nhiệm về chữ ký này?
Ông Trần Văn Th khởi kiện đòi bà Nguyễn Thị B trả khoản tiền 625 triệu đồng là tiền nợ mua bán cà phê (số tiền nợ là 1 tỷ đồng, đã trả được 375 triệu đồng). Ông Th xuất trình tài liệu đề ngày 13/12/2009 của bà B có nội dung nợ tiền mua bán cà phê. Bà B xác nhận có viết và ký tài liệu đề ngày 13/12/2009 nhưng khai rằng bà và chồng bà (ông Vũ Văn T) đã trả cho ông Th và vợ ông Th (bà Trần Thị H) 1.502.000.000 đồng. Bà B xuất trình 22 giấy biên nhận của vợ chồng ông Th bà H và có yêu cầu phản tố đòi vợ chồng ông Th bà H trả lại số tiền đã trả thừa là 502 triệu đồng.
Vợ chồng ông Th bà H khai rằng chỉ có 2 chứng từ trả cho khoản nợ tiền cà phê (375 triệu đồng), còn 20 chứng từ khác là tiền trả cho khoản nợ vay 1.195.000.000 đồng trước đó theo Giấy mượn tiền đề ngày 31/12/2007.
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bà B xuất trình tài liệu có phần đánh máy là:
“Tôi là Nguyễn Thị H xác nhận:
Ngày 21/01/2008 chị B đã trả đủ 1.195.000.000 đồng
(Bằng chữ Một tỷ một trăm chín mươi lăm triệu đồng)
Người nhận”
Bên dưới phần đánh máy nêu trên là chữ ký và chữ viết “Nguyễn Thị H”. Bà H không thừa nhận có việc trả tiền theo giấy đề ngày 21/01/2008 nêu trên.
Vụ án đã được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, sơ thẩm lại, phúc thẩm lại. Tại Bản án phúc thẩm lại số 03/2015/DSPT ngày 12/01/2015, TAND tỉnh Đắk Lắk đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn (buộc bị đơn trả tiền nợ mua cà phê 625 triệu đồng và tiền lãi do chậm thanh toán là 288.387.500 đồng), bác yêu cầu phản tố của bị đơn. Vợ chồng bà B ông T có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Chánh án TAND cấp cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 79/2016/DS-GĐT ngày 15/12/2016, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy bản án sơ thẩm lại và bản án phúc thẩm lại; giao xét xử sơ thẩm lại. TAND tỉnh Đắk Lắk có kiến nghị giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 09/10/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hủy quyết định giám đốc thẩm số 79/2016/DS-GĐT và giữ nguyên Bản án phúc thẩm số 03/2015/DSPT.
Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:
Mấu chốt của vụ án là công nhận hay không công nhận tính xác thực của tài liệu đề ngày 21/01/2008. Tài liệu này đã được giám định. Kết luận giám định đã xác định “chữ ký và chữ viết đề tên Nguyễn Thị H trong tài liệu giám định là chữ ký, chữ viết của bà Nguyễn Thị H”. Nhưng kết luận giám định cũng xác định rằng “không đủ cơ sở kết luận nội dung: “Tôi là Nguyễn Thị H xác nhận ngày 21/01/2008 chị B đã trả đủ 1.195.000.000 đồng” được in trước hay sau phần chữ ký, chữ viết đề tên Nguyễn Thị H”. Như vậy, không loại trừ khả năng phần đánh máy được đánh sau khi ký khống như bà H nêu ra.
Tài liệu đề ngày 21/01/2008 có nội dung mâu thuẫn với các chứng cứ khác do chính bà B xuất trình. 20 giấy biên nhận mà bà B xuất trình đều là giấy viết tay thể hiện việc trả nợ tiền sau ngày 21/01/2008 và trước ngày nhận nợ mua bán cà phê (13/12/2009). Nếu ngày 21/1/2008 đã trả xong khoản nợ 1.195.000.000 đồng thì sau ngày này không còn phải tiếp tục trả nợ. Nếu là trả trước cho việc mua bán cà phê thì phải được trừ đi khi viết biên nhận nợ tiền cà phê (13/12/2008). Vì vậy, tài liệu đề ngày 21/1/2008 mà bà B xuất trình không đáng tin cậy, không đủ cơ sở xác định là chứng cứ hợp pháp.
Không đủ cơ sở chấp nhận tài liệu đề ngày 21/01/2008 có nội dung đúng sự thật thì các chứng cứ khác đủ cơ sở để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Việc chưa xác định được có giả mạo chứng cứ hay không và giả mạo như thế nào không cản trở việc xác định trách nhiệm dân sự (trả nợ tiền mua bán cà phê) nên việc giao xét xử sơ thẩm lại (như Quyết định giám đốc thẩm số 79/2016/DS-GĐT) là không cần thiết.
- Đã có quyết định của Tòa án về hợp đồng thế chấp thì có quyền khởi kiện vụ án yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu không?
Ngày 10/10/2013, Bà Nguyễn Kim T khởi kiện yêu cầu tuyên bố Văn bản công chứng của Văn phòng công chứng Đ đối với hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất ngày 21/01/2011 vô hiệu. Bà T cho rằng 5 thửa đất đứng tên ông H (chồng bà) là tài sản chung của vợ chồng nên chỉ có ông H ký hợp đồng thế chấp để bảo lãnh cho Công ty N vay tiền Ngân hàng Đông Nam là trái pháp luật.
Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Điện Bàn đã bác yêu cầu của bà T. Bà T kháng cáo quá hạn. TAND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo quá hạn. Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 25/2017/DS-GĐT ngày 3/7/2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm. Bà T tiếp tục có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 9/10/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Quyết định giám đốc thẩm số 27/2017/DS-GĐT, hủy Quyết định phúc thẩm, hủy Bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án.
Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:
Hội đồng Thẩm phán hủy cả quyết định giám đốc thẩm, quyết định phúc thẩm, bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án trên cơ sở xác định rằng, việc thụ lý vụ án là không đúng. Đây là trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của Tòa án, quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 168 BLTTDS năm 2004 (nay quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 192 BLTTDS). Trước khi bà T khởi kiện, Ngân hàng Đông Nam đã khởi kiện vụ án về hợp đồng tín dụng với Công ty N; tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 77/2013/QĐST-KDTM ngày 30/9/2013 của TAND quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đã có nội dung phát mại tài sản thế chấp bảo lãnh để trả nợ.
TAND huyện Điện Bàn thụ lý vụ án yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu vì cho rằng văn bản công chứng độc lập với hợp đồng thể chấp. Đúng là văn bản công chứng có tính độc lập với văn bản được công chứng. Văn bản công chứng có thể vô hiệu mà văn bản được công chứng không vô hiệu (như trường hợp văn bản được công chứng thuộc lọai không bắt buộc phải công chứng). Văn bản công chứng vô hiệu nhưng văn bản được công chứng dù không được coi là một giao dịch có hiệu lực thì vẫn là một sự kiện pháp lý tồn tại khách quan. Do đó, người khởi kiện có quyền chỉ khởi kiện yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu mà không yêu cầu phán quyết về văn bản được công chứng.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, hợp đồng tín dụng đã được giải quyết bằng vụ án kinh doanh, thương mại, đã xác định hợp đồng thế chấp hợp pháp. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là loại bắt buộc phải công chứng nên xác định hợp đồng hợp pháp là đã xác định việc công chứng là hợp pháp. Như vậy, yêu cầu phán xét về công chứng là sự việc đã được giải quyết trong vụ án kinh doanh, thương mại. Bà T chỉ có quyền yêu cầu giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 77/2013/QĐST-KDTM chứ không có quyền khởi kiện yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
- Tại sao chứng cứ xuất trình tại phiên tòa phúc thẩm lại không được chấp nhận?
Vụ án hành chính giữa người khởi kiện là Hộ kinh doanh Ngọc B (do bà B là chủ hộ) với người bị kiện là Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh V có đối tượng khởi kiện là Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 0156483/QĐXPHC ngày 28/5/2013. Quyết định hành chính này xử phạt Hộ kinh doanh Ngọc B về hành vi vi phạm là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; xử phạt 15 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm. Quyết định xử phạt trên cơ sở từ việc kiểm tra xe ô tô chở 30.000kg đường cát trắng ngày 08/5/2013 và đội quản lý thị trường đã lập Biên bản vi phạm hành chính ngày 28/5/2013.
Bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long đã bác yêu cầu khởi kiện của bà B. Bà B kháng cáo. Tại bản án hành chính phúc thẩm số 07/2016/HCPT, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã hủy quyết định hành chính nêu trên. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị đối với bản án phúc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 9/10/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý được nêu ra là:
Một trong những lý do Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu của bà B là xác định hóa đơn mà bà B xuất trình để chứng minh mua đường ở trong nước không hợp lý. Bà B khai mua đường của các cơ sở trong nước, phối trộn thành hàng của Ngọc B, dán nhãn rồi mang bán. Hóa đơn đề ngày 26/4/2013 nhưng nhãn ghi ngày sản xuất trên hàng hóa thu giữ là 22/4/2013. Như vậy là việc phối trộn xảy ra trước khi có hàng để phối trộn. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bà B xuất trình Hóa đơn mua đường đề ngày 18/4/2013. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng hóa đơn mới xuất trình có thời gian trước ngày dán nhãn sản xuất là hợp lý nên đã sửa án sơ thẩm, hủy quyết định xử phạt hành chính.
Thực tế, việc xuất trình hóa đơn đề ngày 18/4/2013 mới chỉ khắc phục được sự bất hợp lý về thời gian chứ chưa chứng minh được xuất xứ của hàng hóa. Các cơ sở trong nước bán đường cho Hộ kinh doanh Ngọc B đều xác định số đường bị thu giữ không phải hàng của họ đã bán. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 đã xác định số đường thu giữ là đường tinh luyện cao cấp, không phải đường được phối trộn từ các cơ sở trong nước như bà B khai.
Như vậy, chứng cứ mới xuất trình ở giai đoạn xét xử phúc thẩm có thể được chấp nhận nhưng giá trị chứng minh chưa đủ để thay đổi quyết định của cấp sơ thẩm thì vẫn phải giữ nguyên các quyết định sơ thẩm.
6. MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIỆP VỤ TỪ CÁC PHIÊN TÒA THÁNG 11/2019 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN: Các phiên tòa được đưa ra xem xét trong tháng 11 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã giải quyết được một số vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ. Sau đây là một số vụ án cụ thể được đưa ra xem xét tại các phiên tòa này.
- Quyết định hành chính buộc chấm dứt hoạt động của cơ sở sản xuất khi chưa đến thời hạn cuối cùng theo quy định chung, có sai không?
Ông Tiêu Văn Đ. khởi kiện hành chính đối với Chủ tịch UBND huyện T, yêu cầu hủy Quyết định số 4434/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND huyện T. Quyết định này có nội dung áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động đối với 3 lò gạch của ông Đ. Các lò gạch này là lò gạch thủ công có xử lý bằng nước vôi và lò liên tục kiểu đứng.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 20/2017/HC-ST ngày 24/8/2017, TAND tỉnh Hải Dương đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ. Ông Đ kháng cáo. Tại Bản án hành chính phúc thẩm số 142/2018/HC-PT ngày 18/4/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội đã sửa án sơ thẩm, hủy Quyết định số 4434/QĐ-UBND của UBND huyện T. UBND huyện T có yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 06/11/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Bản án hành chính phúc thẩm, giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Hải Dương.
Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:
Bản án phúc thẩm hủy Quyết định 4434/QĐ-UBND vì cho rằng Quyết định số 4434 thực hiện theo Quyết định 661/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 của UBND tỉnh nhưng Quyết định 661 lại không phù hợp với Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Nhận định này của Bản án phúc thẩm vừa không hợp lý vừa không đúng quy định của tố tụng hành chính. Quyết định 661 là văn bản quy phạm pháp luật chứ không phải quyết định hành chính cá biệt, không phải đối tượng của vụ án hành chính. Trong trường hợp thấy văn bản 661 trái với văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên thì Tòa án phải kiến nghị theo quy định tại Chương VIII (các điều từ 111 đến 114) Luật Tố tụng hành chính. Thực tế, Quyết định 661 có trước Quyết định 1469 nên những việc thực hiện theo Quyết định 661 trước khi có Quyết định 1469 không thể coi là trái với Quyết định 1469. Lộ trình chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đất sét nung, thay thế lò thủ công đã được thực hiện trước Quyết định 1469 vẫn có hiệu lực, trong đó có việc ấn định thời hạn sản xuất bằng lò thủ công chỉ đến hết 31/12/2015. Vì vậy, qua ngày 31/12/2015, ông Đ không thực hiện ngừng sản xuất, bị áp dụng biện pháp xử lý theo Quyết định 4434 là vẫn đảm bảo đúng thủ tục theo quy định.
Quyết định 1469/QĐ-TTg quy định thời hạn chấm dứt hoạt động của các loại lò liên tục kiểu đứng “chậm nhất vào trước năm 2018” chứ không phải đến năm 2018 mới thực hiện. Do đó, UBND có quyết định những trường hợp đã đủ điều kiện buộc chấm dứt hoạt động trước năm 2018 là không vi phạm Quyết định 1469.
- Việc soạn thảo hợp đồng có nhầm lẫn, ghi thiếu giá trị của một hạng mục công việc thì có được thanh toán không?
Ngày 31/01/2016, chủ đầu tư là Công ty A ký Hợp đồng 01 với nhà thầu chính là Công ty B với nội dung xây dựng công trình Nhà máy dệt may gồm 3 phần:Xây dựng, điện nước, kết cấu thép; với tổng giá trị là 52 tỷ đồng. Kèm theo Hợp đồng 01 là Phụ lục hợp đồng 01, quy định chi tiết giá trúng thầu của từng hạng mục công trình.
Cùng ngày 31/01/2016, nhà thầu chính là Công ty B ký Hợp đồng 02 với Công ty C với nội dung giao cho Công ty C thi công phần xây dựng và điện nước có tổng giá trị là 32 tỷ đồng. Kèm theo Hợp đồng 02 là Phụ lục hợp đồng số 02, quy định cụ thể giá giao thầu của từng hạng mục.
Các hợp đồng và phụ lục hợp đồng nêu trên đều thể hiện phần xây dựng có 11 hạng mục, trong đó có hạng mục “Nhà làm việc” có giá trị (sau thuế) là 2.767.301.365 đồng nhưng khi cộng tổng giá trị 11 hạng mục đều cộng thiếu giá trị của “Nhà làm việc”.
Công trình đã hoàn thành, bàn giao cho Công ty A. Công ty C không được thanh toán giá trị xây dựng “nhà làm việc” nên khởi kiện đòi Công ty B thanh toán số tiền 2.767.301.365 đ và tiền lãi do chậm thanh toán. Công ty B không đồng ý thanh toán giá trị “nhà làm việc” vì đã thanh toán theo giá đã ký trọn gói là 32 tỷ đồng. Công ty A cũng cho rằng Công ty B không phải thanh toán giá trị nhà làm việc cho Công ty C vì Công ty A cũng chỉ thanh toán trọn gói cho Công ty B (52 tỷ đồng), giá trị hạng mục “nhà làm việc” là 0 đồng.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 29/9/2017, TAND tỉnh Hà Nam đã buộc Công ty B thanh toán cho Công ty C 3.196.571.816 đồng (giá trị hạng mục nhà làm việc và lãi chậm trả). Công ty B kháng cáo. Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 598/2018/KDTM-PT, TAND cấp cao tại Hà Nội đã xử y án sơ thẩm. Công ty B có yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TAND tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 08/11/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại.
Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:
Có vấn đề phải giải thích hợp đồng để xác định ý chí của các bên về giá trị thi công hạng mục “nhà làm việc”. Thực tế trong các hợp đồng và phụ lục hợp đồng đều đã ghi giá trị thi công hạng mục nhà làm việc là 2.767.301.365 đồng chứ không phải là 0 đồng. Ý chí của các bên là các hạng mục thi công đều được trả tiền. Vì vậy, giá trị nhà làm việc không được cộng vào tổng giá trị thanh toán là do nhầm lẫn, không phải ý chí thực của các bên. Trong trường hợp này phải buộc các bên thanh toán theo đúng ý chí thực của các bên khi giao kết hợp đồng.
Theo hợp đồng thì trách nhiệm trả tiền cho Công ty C là của Công ty B. Công ty B không có yêu cầu Công ty A trả tiền thì nếu buộc Công ty A trả tiền cho Công ty B có vi phạm về phạm vi xét xử (quy định tại Điều 5 BLTTDS) hay không? Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã xử buộc Công ty B trả tiền cho Công ty C nhưng vẫn bị hủy để xét xử sơ thẩm lại là từ nhận định chủ thể hưởng lợi hạng mục nhà làm việc là Công ty A nên Công ty A phải thanh toán trực tiếp cho Công ty C. Như vậy, trong trường hợp có thầu phụ, hợp đồng không rõ ràng thì cần đưa người hưởng lợi vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và buộc người hưởng lợi trực tiếp thanh toán cho người đã thi công.
- Có cần phân biệt đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền của người bị hại?
Bùi Xuân H đã có hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, làm chết chị Nguyễn Thị H. Vụ án có bị đơn dân sự là Công ty Đông Bắc (chủ phương tiện và quản lý lái xe). Bản án hình sự sơ thẩm (số 56/2015/HSST ngày 25/6/2015 của TAND tỉnh Quảng Ninh) và Bản án phúc thẩm (số 65/2017/HSPT ngày 21/02/2017 của TAND cấp cao tại Hà Nội) đều quyết định về trách nhiệm dân sự là:
“Buộc Công ty Đông Bắc phải bồi thường thiệt hại cho gia đình anh Nguyễn Danh Đ các khoản tiền sau:
-Chi phí mai táng 35.000.000 đồng, tổn thất tinh thần 69.000.000 đồng, chi phí đi lại 5.000.000 đồng, tổng cộng 109.000.000 đồng.
-Tiền cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Danh D, sinh ngày… và cháu Nguyễn Danh T, sinh ngày… mỗi cháu một tháng là 600.000 đồng cho đến khi 18 tuổi.
-Tiền cấp dưỡng nuôi ông Nguyễn Duy Đông và bà Nguyễn Thị Lâm mỗi người một tháng là 460.000 đồng cho đến khi qua đời.”.
Vụ án đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 28/11/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm về phần “buộc Công ty Đông Bắc bồi thường thiệt hại cho gia đình anh Nguyễn Danh Đ” đề giao xét xử sơ thẩm lại.
Vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý đã được nêu ra là:
Trong quá trình tiến hành tố tụng, những người đại diện theo pháp luật của người bị hại Nguyễn Thị H đã được xác định gồm có anh Nguyễn Danh T (chồng chị H), ông Nguyễn Duy Đ (cha chị H), bà Nguyễn Thị L (mẹ chị H). Lẽ ra, Tòa án phải tuyên buộc Công ty Đông bắc bồi thường thiệt hại cho những người đại diện theo pháp luật của bị hại Nguyễn Thị H nhưng Tòa án lại tuyên bồi thường thiệt hại cho gia đình anh Nguyễn Danh Đ là không đúng vì anh Đ chỉ là người đại diện theo ủy quyền.
Khoản 5 Điều 51 BLTTHS năm 2003 đã quy định: “Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này”. Quy định này thể hiện trường hợp bị hại chết là trường hợp có quy định riêng về đại diện. Người đã chết thì không thể ủy quyền nên “đại diện hợp pháp” là đại diện theo pháp luật. Quy định người đại diện theo pháp luật có các quyền của bị hại thì đương nhiên có quyền nhận bồi thường. Người đại diện theo pháp luật ngoài những trường hợp quy định rõ tại BLDS thì thường là những người thừa kế của người bị hại. Cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hại đã chết.
Trường hợp của vụ án này là những người đại diện theo pháp luật của bị hại lại ủy quyền cho anh Nguyễn Danh Đ. Anh Đ không phải là người đại diện theo pháp luật của bị hại (anh Đ là anh chồng chị H) nên anh Đ chỉ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng chứ không có quyền được nhận bồi thường thay bị hại.
Nguồn bài viết: Báo Công lý