Để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, đề cao nghĩa vụ của đương sự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) đã sửa đổi, bổ sung căn cứ và trình tự thủ tục giải quyết trong trường hợp có đương sự rút yêu cầu hoặc từ bỏ việc khởi kiện, trong đó có bổ sung căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 cụ thể như sau: Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
-Vấn đề thứ nhất: Trên thực tế khi áp dụng quy định này có nhiều vướng mắc, bởi lẽ tại Mục 2 Chương IX của BLTTDS năm 2015 quy định các chi phí tố tụng khác bao gồm: Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài; chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí giám định; chi phí định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng; chi phí cho người phiên dịch, luật sư; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định. Như vậy, ngoài những chi phí này thì các chi phí khác mà nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng có được làm căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án hay không?
Ví dụ: Ngân hàng A khởi kiện ông B yêu cầu trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Tại thời điểm Tòa thụ lý giải quyết ông B không có mặt tại địa phương. Việc niêm yết công khai không bảo đảm cho ông B nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo. Trong trường hợp này cần thực hiện thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và Ngân hàng A đã chủ động làm đơn yêu cầu thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng gởi đến Tòa án. Sau đó Tòa án đã có thông báo gởi đến Ngân hàng A yêu cầu nộp tiền tạm ứng chi phí cho việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Đã quá thời hạn theo yêu cầu của Tòa án nhưng Ngân hàng A vẫn không nộp tạm ứng chi chí cho việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 180 BLTTDS năm 2015 trong trường hợp này, lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo phải chịu. Với nội dung nêu trên hiện nay có hai quan điểm:
– Quan điểm 1: Cần áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án.
– Quan điểm 2: Không được đình chỉ giải quyết vụ án vì trường hợp này không thuộc chi phí tố tụng khác đã được quy định tại Mục 2 Chương IX của BLTTDS năm 2015, nên không có căn cứ để đình chỉ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015. Quan điểm này cho rằng trong trường hợp này Tòa án phải có trách nhiệm thông báo và chi phí sau này buộc Ngân hàng A phải chịu theo quy định tại khoản 2 Điều 180 BLTTDS năm 2015.
–Vấn đề thứ hai: Khi áp dụng đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án, thì hậu quả của việc đình chỉ có nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Ví dụ: Ông A khởi kiện bà B về tranh chấp quyền sử dụng đất. Để có cơ sở cho việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, thì cần tiến hành thẩm định, định giá tài sản. Trong trường hợp này, Tòa án yêu cầu Nguyên đơn là ông A phải nộp tạm ứng chi phí cho việc thẩm định, định giá tài sản. Đã quá thời hạn theo yêu cầu của Tòa án ông A không nộp tạm ứng chi phí thẩm định, định giá tài sản vì ông A cho rằng tại thời điểm này ông không có tiền để nộp tạm ứng. Tòa án đã áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án. Khi đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án đã áp dụng Điều 218 BLTTDS năm 2015 để giải quyết hậu quả của việc đình chỉ. Tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS năm 2015 quy định: Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Sau khi Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án, ông A cho rằng hiện nay đã có tiền để nộp tạm ứng chi phí cho việc thẩm định, định giá tài sản, nên ông A tiếp tục làm đơn khởi kiện bà B về tranh chấp nêu trên. Tòa án căn cứ vào hậu quả của việc đình chỉ quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS năm 2015 để trả lại đơn khởi kiện của ông A. Vì cho rằng cùng nguyên đơn, cùng bị đơn và cùng quan hệ pháp luật có tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS năm 2015.
Như vậy cho thấy, tại một thời điểm nào đó người khởi kiện chưa đủ điều kiện để nộp tiền tạm ứng cho chi phí tố tụng thì vụ án bị đình chỉ. Nhưng khi người đó có đủ điều kiện để thực hiện chi phí tố tụng, thì mất quyền khởi kiện, như vậy đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự.
Từ thực tế và suy nghĩ của bản thân, kính mong các bạn đọc góp ý, thảo luận và đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao có hướng dẫn về những vấn đề này.
Nguyễn Hùng – Chánh án TAND thành phố Hội An