Giới thiệu

Đô thị cổ Hội An xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo, được các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha… biết đến từ thế kỷ 16, 17. Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, sầm uất, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông. Thành phố Hội An ngày nay có tổng diện tích tự nhiên là 61,71km2, cách quốc lộ 1A khoảng 9km về phía Đông, cách thành phố Đà Nẵng 25km về phía Đông Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 50km về phía Đông Bắc. Phần đất liền của thành phố có diện tích 46,22 km2, phía Tây và phía Bắc giáp thị xã Điện Bàn, phía Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Đông giáp biển có chiều dài bờ biển là 7km. Khu phố cổ rộng khoảng 5km2 đã được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới” vào ngày 04/12/1999. Cách đất liền 18km là cụm đảo Cù Lao Chàm với diện tích 15,49 km2, được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” vào năm 2009. Ngoài lợi thế nằm gần cảng hàng không quốc tế hiện đại Đà Nẵng, Hội An còn có một ưu thế đặc biệt với vị trí nằm trên “Con đường di sản văn hóa miền Trung” bao gồm: Hội An – Mỹ Sơn – Huế, là yếu tố thuận lợi giúp Hội An thu hút được một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.

Kể từ khi Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới”, hàng năm đều diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống và những năm gần đây các lễ hội hiện đại, các sự kiện văn hóa – du lịch cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế cũng được tổ chức khá quy mô, hoành tráng; đã thu hút được sự tham gia đông đảo của cả cộng đồng dân cư và du khách. Bởi Hội An là điểm đến thân thiện, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch và lưu trú. Đây là điều kiện thuận lợi để Hội An chuyển mình, tạo đà phát triển đi lên về mọi mặt, đặc biệt là trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhưng mặt trái của nó cũng đã tác động, ảnh hưởng đến sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Bởi lẽ, với những đòi hỏi như một quy luật tất yếu của môi trường du lịch, các quán bar, vũ trường lần lượt mọc lên, kéo theo sự gia tăng hàng loạt các loại tội phạm mà đặc biệt là các tội xâm phạm về sở hữu như: trộm cắp, cướp giật tài sản…, trong đó có nhiều vụ trộm cắp, cướp giật tài sản của du khách người nước ngoài. Mặt khác, việc tập trung số lượng lớn khách du lịch ở Hội An cũng là cơ hội cho những đối tượng phạm tội từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh đến hoạt động ngày càng nhiều. Chính vì điều này phần nào đã tác động tiêu cực đến hình ảnh của Đô thị cổ Hội An trong mắt du khách, nhất là du khách đến từ các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, số lượng các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình có tranh chấp liên quan đến bất động sản trên địa bàn Đô thị cổ Hội An cũng tăng nhanh, tính chất ngày càng phức tạp. Bình quân mỗi năm Tòa án thụ lý, giải quyết trên 300 vụ án các loại. Đây là một thách thức không nhỏ đối với công tác Tòa án nói riêng và đối với đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hội An nói chung trên con đường xây dựng Hội An trở thành thành phố “Sinh thái – Văn hóa – Du lịch”.

Có thể khẳng định rằng, muốn cho môi trường du lịch ở Đô thị cổ Hội An ngày một thân thiện, lành mạnh, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch thì đòi hỏi tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phải được đảm bảo. Để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị mang tính chất đặc thù của một đô thị cổ, trong những năm qua Tòa án nhân dân thành phố Hội An luôn bám sát Nghị quyết của Đảng bộ thành phố; tranh thủ sự chỉ đạo kịp thời của Ban cán sự đảng TAND tỉnh Quảng Nam trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là công tác xét xử lưu động. Do đó, ngoài việc đưa các vụ án hình sự ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhằm để răn đe, giáo dục đối với người phạm tội, Tòa án nhân dân thành phố Hội An luôn chú trọng đến công tác xét xử lưu động (thông qua hình thức truyền thanh trực tiếp) để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Đặc biệt, lồng ghép với việc xét xử lưu động, đơn vị đã đề nghị chính quyền địa phương mời những đối tượng có nhân thân không tốt, thường hay vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố (thuộc diện theo dõi, quản lý của các xã, phường) đến tham dự các phiên tòa để giáo dục họ trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Đồng thời, thông qua các phiên tòa lưu động cũng nhằm góp phần tuyên truyền để du khách khi đến Hội An tham quan, du lịch cần nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của bản thân. Bởi lẽ, phần lớn các vụ án trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra trên địa bàn thành phố trong thời gian qua xuất phát từ sự chủ quan, mất cảnh giác của du khách trong việc quản lý, bảo vệ tài sản của mình. Trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm Tòa án nhân dân thành phố Hội An đưa ra xét xử lưu động trên 20 vụ án hình sự. Tất cả các vụ án đưa ra xét xử lưu động đều đảm bảo được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương và được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, do đặc thù của Đô thị cổ Hội An là thành phố du lịch nên việc xem xét lựa chọn vụ án, địa điểm để đưa ra xét xử lưu động cũng phải được cân nhắc kỹ càng, một mặt là để tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhưng đồng thời tránh làm xấu đi hình ảnh của Đô thị cổ Hội An trong mắt du khách khi đến tham quan, du lịch.

Như một lẽ tất yếu, sau khi Đô thị cổ Hội An được công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới” thì giá trị nhà ở, quyền sử dụng đất trên địa bàn đô thị cũng vì thế mà tăng lên gấp nhiều lần so với trước đây, đặc biệt là trong khu vực phố cổ. Cũng chính từ đó mà những tranh chấp liên quan đến bất động sản như: Tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế, chia tài sản chung… phát sinh trong nhân dân ngày một nhiều hơn và tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp. Do đặc thù là một đô thị cổ có nhiều di sản nằm trong quần thể di tích được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới” nên các tài sản tranh chấp như nhà ở, quyền sử dụng đất thường có nguồn gốc lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và có nhiều loại giấy tờ khác nhau, rất khó để xác định chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp. Do vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành mọi biện pháp để xác minh, thu thập những chứng cứ liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng do chế độ cũ cấp qua các thời kỳ, cũng như tranh thủ ý kiến của các cơ quan chuyên môn để làm cơ sở giải quyết vụ án. Đồng thời, Tòa án cũng đã kiên trì hòa giải để các đương sự tự thỏa thuận với nhau nhằm tránh gây ra sự mâu thuẫn, mất đoàn kết trong gia đình, trong nhân dân (Tỷ lệ hòa giải thành trong án tranh chấp dân sự hàng năm đạt gần 40%). Ngoài việc phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, khi xét xử Tòa án còn phải cân nhắc đưa ra phán quyết sao cho phù hợp, để khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành sẽ không gây ảnh hưởng hoặc xâm phạm đến các di sản, nhưng vẫn đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Nhờ đó mà trong thời gian qua, hầu hết những bản án, quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hội An đều đảm bảo chất lượng về chuyên môn, khi đưa ra thi hành không gây ảnh hưởng hoặc xâm phạm đến di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận.

Bên cạnh đó, với chức năng là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân như Hiến pháp khẳng định, đơn vị cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước trong lĩnh vực khiếu kiện hành chính. Chẳng hạn như việc tách thửa, tặng cho và chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Xuất phát từ chủ trương xây dựng Đô thị cổ Hội An trở thành “Thành phố sinh thái”, UBND thành phố Hội An đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số: 777/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 về việc “Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam”. Theo đó, ở khu vực đô thị chỉ cho phép chủ sử dụng đất tách thửa để chuyển nhượng đối với thửa đất có chiều ngang mặt tiền 7m trở lên và khu vực nông thôn phải từ 10m trở lên. Trên cơ sở này, UBND thành phố Hội An quy định đối với các thửa đất đã có cam kết là tách thửa để tặng cho con cái mà có chiều ngang mặt tiền dưới 7m (đối với khu vực đô thị) và dưới 10m (đối với khu vực nông thôn) thì không được phép chuyển nhượng cho người khác. Quy định này của thành phố đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân và có nhiều trường hợp người dân khởi kiện UBND thành phố Hội An cùng các cơ quan liên quan. Dẫu biết rằng, để thực hiện chủ trương xây dựng thành phố sinh thái cần phải quy định điều kiện ràng buộc để hạn chế việc tách thửa, tránh gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung của đô thị cổ nhưng cũng cần phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Nhận thấy những quy định nói trên của UBND thành phố Hội An là không phù hợp với quy định của pháp luật đất đai, xâm phạm đến quyền của người sử dụng đất. Do vậy, trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện để các bên đương sự tiến hành đối thoại với nhau, cũng như phân tích, giải thích pháp luật để người bị kiện thấy được những quy định của mình là không phù hợp nên đã hủy bỏ các Quyết định hành chính bị khiếu kiện. Từ đó, tạo được niềm tin của nhân dân đối với cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật; không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Ngoài việc thực hiện tốt công tác giải quyết, xét xử các loại án, Tòa án nhân dân thành phố Hội An còn tham gia đóng góp ý kiến một cách có hiệu quả đối với chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến chỉnh trang, quy hoạch đô thị cổ như: Giải tỏa, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất…, tránh gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân hoặc xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước.

Để tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục được giữ vững và ổn định, phục vụ tốt cho công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương, không để phát sinh điểm nóng, khiếu kiện đông người, các tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, băng nhóm tội phạm, cướp, cướp giật tài sản… Trong thời gian đến, ngoài việc tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương và Ban cán sự đảng TAND tỉnh Quảng Nam, Tòa án nhân dân thành phố Hội An còn tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong thành phố, triển khai thực hiện một cách có hiệu quả những giải pháp mà đơn vị đề ra hàng năm, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm và giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các tranh chấp phát sinh trong nhân dân, đem lại sự bình yên cho Đô thị cổ Hội An. Qua đó, cùng với đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố xây dựng Đô thị cổ Hội An sớm trở thành thành phố “Sinh thái – Văn hóa – Du lịch” như mục tiêu đã đề ra.

LÃNH ĐẠO TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỘI AN

Ông: Nguyễn Hùng

Chức vụ: Chánh án
Năm sinh: 1975
Quê quán: phường Cẩm An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
Thường trú: phường Cẩm An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật
Trình độ chính trị: Cao cấp

Ông: Nguyễn Thành Trung

Chức vụ: Phó Chánh án
Năm sinh: 1980
Quê quán: xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam
Thường trú: xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam
Trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật
Trình độ chính trị: Trung cấp

Bà: Nguyễn Thị Hồng Nhạn

Chức vụ: Phó Chánh án
Năm sinh: 1977
Quê quán: phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
Thường trú: phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
Trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật
Trình độ chính trị: Trung cấp

X